Mâm ngũ quả là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Mâm ngũ quả tượng trưng cho ước muốn của gia đình trong năm mới cũng như mang nhiều ý nghĩa khác. Mâm ngũ quả ngày Tết rất được người Việt chăm chút, tùy theo vùng miền mà sẽ có cách bày biện khác nhau với sự khác nhau đôi chút về các loại quả. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết cũng như bí quyết bày biện mâm ngũ quả sao cho đẹp mặt để đón năm mới đầy an khang thịnh vượng nhé!
Mục Lục
Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong văn hóa truyền thống phương Đông
Mâm ngũ quả là mâm trái cây với 5 loại quả khác nhau, được bày biện đẹp mắt; và dâng lên ban thờ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán. Mỗi loại quả bày trên mâm ngũ quả thể hiện mong ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Ngày nay, mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa trang trí cho không gian phòng khách vào những ngày đầu xuân năm mới, bên cạnh ý nghĩa tâm linh.
Theo thuyết duy vật cổ đại xưa thì tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu. Đó chính là: kim loại (kim), nước (thủy), gỗ (mộc), lửa (hỏa) và thổ (đất) được gọi là ngũ hành. Và chính cái tư tưởng ấy đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa các dân tộc phương Đông; trong đó có người Việt, được thể hiện ngay trên mâm ngũ quả ngày Tết. Theo quan niệm của nhân gian thì “ngũ quả” chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời. Bởi con số 5 – “ngũ hành” là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy. Thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Chính vì vậy, mâm ngũ quả ngày Tết nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Lưu ý về sự khác nhau trong cách bày biện mâm ngũ quả giữa các vùng, miền
Mâm ngũ quả ở ba miền có sự khác nhau nhất định. Mâm ngũ quả Tết miền Bắc thường gồm các loại trái cây như: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen) với những màu sắc khác nhau và mang những ý nghĩa riêng biệt. Cách bày biện thường là nải chuối được đặt ở dưới cùng, trên nải chuối để quả bưởi ở giữa và xung quanh xếp xen kẽ các loại trái cây khác.
Trong mâm ngũ quả miền Bắc, chuối hay phật thủ thể hiện sự che chở của trời đất thiên nhiên cho con người và gia đình sum vầy, đầm ấm, quây quần bên nhau. Ớt, táo tây thể hiện sự may mắn; cam, quýt, quất, hồng thể hiện tài lộc, phú quý còn quả lê; đào tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt. Người miền Trung thường không kiêng kỵ loại quả nào khi bày biện mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả của các gia đình miền Trung thường có dứa; thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, táo, cam, lê, mãng cầu, chuối xanh.
Với người miền Nam, khi bày mâm ngũ quả, họ mang theo ước vọng “cầu sung vừa đủ xài”. Nghĩa là mong muốn một năm mới sung túc, đủ đầy. Tương ứng với đó, họ sẽ dùng các loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà. Và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.