Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên mà khó có nơi nào có được, bên cạnh đó từ xa xưa sau cuộc Nam Chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471 thì vùng đất này đã sớm trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước Đại Việt. Ngũ Hành Sơn còn được biết là một quần thể di tích văn hóa đậm nét bản sắc dân tộc, với một khu phức hợp nhiều di dích danh lam thắng cảnh có nhiều ngôi cổ tự tiếng tăm một thời như Bình An, Thái Bình, Phổ Đà, Vân Phong, sau này là Tam Tôn, Linh Ứng, Tam Thai, Từ Tâm và hệ thống hang động là Tàng Chơn, Ngoa Nghiêm, Vân Không, Huyền Không.
Nổi bật trong số những di tích ở Ngũ Hành Sơn đó chính là hệ thống ma nhai cổ độc đáo với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, được lưu lại qua nhiều đời chúa Nguyễn, được đánh giá là nét son đáng tự hào trên bản đồ ma nhai ở Việt Nam.
Mục Lục
Đệ trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới
Theo khảo sát, Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn hiện còn lưu dấu rất nhiều bút tích của các bậc tiền nhân; trong đó có hệ thống ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá). Đây là nguồn tư liệu quý, chứa đựng nhiều thông tin có giá trị và vượt trội về mặt số lượng; tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại và hình thức.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết; hiện đơn vị đã hoàn tất hồ sơ về hệ thống ma nhai để đệ trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng BQL Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết; ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất. Hệ thống này phản ánh đời sống tinh thần và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tại quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn qua các thời kỳ. Bên cạnh đó còn thể hiện thấu đáo những tâm tư, tình cảm, hoài bão, khát khao của tiền nhân gửi cho hậu thế.
Hệ thống ma nhai cổ ở Ngũ Hành Sơn
Qua khảo sát văn bản ma nhai hiện lưu tại 5 động: Huyền Không; Tàng Chơn; Vân Thông; Linh Nham; Âm Phủ và một số vị trí khác tại ngọn Thủy Sơn. Bước đầu thống kê có khoảng trên 90 văn bản. Trong đó nhiều nhất là động Huyền Không với 60 văn bản; động Tàng Chơn có 20 văn bản; động Linh Nham có 3 văn bản; động Vân Thông 2 văn bản; động Âm Phủ 3 và các vị trí còn lại có 3 văn bản.
Tuy nhiên, đa phần các văn bản không còn nguyên vẹn. Bởi số lớn bị phong hóa theo thời gian nên mờ chữ; một số bị bôi lấp bởi sơn và xi măng. Đáng tiếc nhất là trong số 8 bia thời ký của Chúa Nguyễn có đến 5 tấm bia bị đục hết nội dung chữ; mặc dù hình thức và những họa tiết hoa văn còn khá nguyên vẹn. Các thể loại ma nhai có thể thống kê gồm: Bi ký Phật giáo thời Chúa Nguyễn; Ngự bút vua Minh Mạng và thơ đề của các đại thần, quan lại triều Nguyễn; từ sau năm 1945 có nhiều bút tích của các hòa thượng, thiền sư, đạo sĩ; các bài thơ Nôm phụ đề quốc ngữ được khắc bản rải rác từ năm 2006 đến nay…
Dự kiến đưa hệ thống ma nhai vào phục vụ khách du lịch tham quan, nghiên cứu
“Ma nhai là hệ văn khắc trực tiếp vào trong đá, qua thời gian một số bị phong hóa, mờ đi; nhưng chúng tôi đã nhanh chóng có hướng bảo tồn kịp thời; đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động của con người trực tiếp trên ma nhai. Ngoài việc tổ chức hội thảo khoa học và nghiên cứu; trong quá trình thiết lập hồ sơ, khi phát hiện những văn tự cổ này; Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu dịch ra toàn bộ nội dung ma nhai bằng cách dập văn bia bằng giấy đó.
Có thể nói, hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đang được ngành chức năng bảo quản tốt; với hệ thống văn tự cổ phong phú, độc đáo và có bề dày lịch sử như thế này; dự kiến sau đây sẽ đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan, nghiên cứu khi đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn”. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện chia sẻ.